Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

Nét Đẹp Văn Hóa Việt Phần 1

Mùa xuân - mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật, cỏ cây...Giữa tiết trời ấm áp ấy, lòng người phơi phới rủ nhau đi hội, hành hương về cội nguồn, vui chơi và cầu mong cho mùa màng tốt tươi, con người hạnh phúc. Lễ hội Hoa lư Lễ hội là chứng tỏ tính cố kết của cộng đồng, là minh chứng cho nét đẹp văn hoá ngàn đời của ông cha ta. Theo thống kê của Bộ VH,TT&DL thì nước ta hiện có hơn 8.000 lễ hội trong năm. Như vậy, bình quân mỗi ngày có hơn 2 lễ hội. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế... Với tư tưởng uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, ngày hội diễn ra sôi động bằng những sự tích, công trạng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Đặc biệt, lễ hội ở nước ta gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng nhân dân. Phần lớn các lễ hội ở Việt Nam thường gắn với sự kiện lịch sử, tưởng nhớ người có công với nước trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm nên các trò vui chơi ở lễ hội thường mang nhiều tính mạnh mẽ của tinh thần thượng võ như: thi bắn nỏ, đấu vật (hội Cổ Loa) đấu vật, đấu võ, chạy thi (hội hoa Vị Khê, Nam Định), thi bắn nỏ, ném còn (ở vùng đồng bào dân tộc phía Bắc) v.v... Có lễ hội lại gọi theo những trò chơi dân gian như hội rước voi, rước chúa gái, hội đánh phết, ném còn, hội chọi gà, chọi trâu, hội đâm đuống... Lại có hội nửa đêm tắt đèn cho trai gái tự do tìm đến với nhau với cái tên nghe rất phồn thực, dân giã, ấy là hội "linh tinh tình phộc" (hội trò trám ở Lâm Thao - Phú Thọ). Sự phong phú của lễ hội ở Việt Nam vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc nhưng cũng vừa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Quy trình của lễ hội Thông thường địa phương nào mở hội cũng đều tiến hành theo ba bước sau: Chuẩn bị: Chuẩn bị lễ hội được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị cho mùa lễ hội sau và khi ngày hội đã đến gần. Chuẩn bị cho mùa lễ hội sau được tiến hành ngay sau khi mùa hội trước kết thúc, mọi khâu chuẩn bị đã có sự phân công, cắt cử mọi việc để đón mùa lễ hội năm sau. Khi ngày hội sắp diễn ra, công việc kiểm tra lại đồ tế lễ, trang phục, quét dọn, mở cửa di tích, rước nước làm lễ tắm tượng (mộc dục) cùng các đồ tế tự, thay trang phục mũ cho thần... Vào hội: nhiều hoạt động diễn ra trong các ngày lễ hội, đó là các nghi thức tế lễ, lễ rước, dâng hương, tổ chức các trò vui. Đây là toàn bộ những hoạt động chính có ý nghĩa nhất của một lễ hội. Lễ hội thu hút nhiều đối tượng hay ít khách đến với lễ hội, diễn ra trong nhiều ngày hay một ngày hoàn toàn chi phối bởi các hoạt động trong những ngày này. Kết thúc hội (xuất tịch, giã đám, giã hội): Ban tổ chức làm lễ tạ, đóng cửa di tích. Thời gian mở hội Lễ hội ở Việt Nam được tổ chức nhiều nhất vào ba tháng mùa xuân và mùa thu. Hai khoảng thời gian trên là lúc người dân nhàn rỗi. Mùa xuân tiết trời ấm áp, mùa thu tiết trời mát mẻ, đều thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội. Hai yếu tố cơ bản tạo nên sự thoải mái, vui vẻ cho người đi dự hội. Một số đặc điểm của lễ hội Tính thiêng Hội Gióng Muốn hình thành một lễ hội, bao giờ cũng phải tìm ra được một lý do mang tính "thiêng" nào đó. Đó là người anh hùng đánh giặc bị tử thương, ngã xuống mảnh đất ấy, lập tức được mối đùn lên thành mộ. Đó là nơi một người anh hùng bỗng dưng hiển thánh, bay về trời. Cũng có khi đó chỉ là một bờ sông, nơi có một xác người chết đuối, đang trôi bỗng nhiên dừng lại, không trôi nữa; dân vớt lên, chôn cất, thờ phụng... Cũng có khi lễ hội chỉ hình thành nhằm ngày sinh, ngày mất của một người có công với làng với nước, ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác (có người chữa bệnh, có người dạy nghề, có người đào mương, có người trị thủy, có người đánh giặc... ). Song, những người đó bao giờ cũng được "thiên hóa", đã trở thành "Thần thánh" trong tâm trí của người dân. Nhân dân tin tưởng những người đó đã trở thành Thần thánh, không chỉ có thể phù hộ cho họ trong những mặt mà sinh thời người đó đã làm: chữa bệnh, làm nghề, sản xuất, đánh giặc... mà còn có thể giúp họ vượt qua những khó khăn đa dạng hơn, phức tạp hơn của đời sống. Chính tính "Thiêng" ấy đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trong những thời điểm khó khăn, cũng như tạo cho họ những hy vọng vào điều tốt đẹp sẽ đến. Tính "cộng đồng" Lễ hội chỉ được sinh ra, tồn tại và phát triển khi nó trở thành nhu cầu tự nguyện của một cộng đồng. Cộng đồng lớn thì phạm vi của lễ hội cũng lớn. Bởi thế mới có lễ hội của một họ, một làng, một huyện, một vùng hoặc cả nước. Tính địa phương Lễ hội được sinh ra và tồn tại đều gắn với một vùng đất nhất định. Bởi thế lễ hội ở vùng nào mang sắc thái của vùng đó. Tính địa phương của lễ hội chính là điều chứng tỏ lễ hội gắn bó rất chặt chẽ với đời sống của nhân dân, nó đáp ứng những nhu cầu tinh thần và văn hóa của nhân dân, không chỉ ở nội dung lễ hội mà còn ở phong cách của lễ hội nữa. Phong cách đó thể hiện ở lời văn tế, ở trang phục, kiểu lọng, kiểu kiệu, kiểu cờ, ở lễ vật dâng cúng... Tính cung đình Đa phần các nhân vật được suy tôn thành Thần linh trong các lễ hội của người Việt, là các người đã giữ các chức vị trong triều đình ngày xưa. Bởi thế những nghi thức diễn ra trong lễ hội, từ tế lễ, dâng hương, đến rước kiệu... đều mô phỏng sinh hoạt cung đình. Sự mô phỏng đó thể hiện ở cách bài trí, trang phục, động tác đi lại... Điều này làm cho lễ hội trở nên trang trọng hơn, lộng lẫy hơn. Mặt khác lễ nghi cung đình cũng làm cho người tham gia cảm thấy được nâng lên một vị trí khác với ngày thường, đáp ứng tâm lý, những khao khát nguyện vọng của người dân. Tính đương đại Tuy mang nặng sắc thái cổ truyền, lễ hội, trong quá trình vận động của lịch sử, cũng dần dần tiếp thu những yếu tố đương đại. Những trò chơi mới, những cách bài trí mới, những phương tiện kỹ thuật mới như rađio, cassete, video, tăng âm, micro... đã tham gia vào lễ hội, giúp cho việc tổ chức lễ hội được thuận lợi hơn, đáp ứng nhu cầu mới. Tuy vậy, những sự tiếp thu này đều phải dần dần qua sự sàng lọc tự nguyện của nhân dân, được cộng đồng chấp nhận, không thể là một sự lắp ghép tùy tiện, vô lý... Nghệ thuật diễn xướng Có thể nói rằng, toàn bộ lễ hội là một sân khấu đặc biệt. Tại sân khấu này, có ba nhân vật chính. Một nhân vật là ông Thầy cúng (Thầy Đồng đền ở Đền, Ông chủ tế ở đình...) người có khả năng thông qua các Thần linh, sự nhập vai của các Thần linh (các hiện tượng lên đồng). Nhân vật thứ hai là quần chúng nhân dân, những tín đồ của tôn giáo hay tín ngưỡng, những người đã có sẵn những cảm xúc tôn giáo, tín ngưỡng nhạy bén, sẵn sàng tham gia, nhập cuộc vào cuộc trình diễn này. Nhân vật thứ ba tuy không xuất hiện trên sân khấu, nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong Lễ hội, chính nhân vật này tạo ra cảm hứng xuyên suốt cuộc Lễ hội, là động lực của Lễ hội. Đó là các Thần linh, đối tượng thờ cúng của các Lễ hội. Trên sân khấu này, tất cả các nhân vật tham gia vào Lễ hội đều chung một niềm tin vào sự chân thực của những điều phi lý đang diễn ra quanh mình. Chẳng hạn, trong Lễ hội Bình Đà có tục rước 100 oản, 100 chuối, 100 bánh dẻo, 100 ghế chéo... tượng trưng cho 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Mặc dù biết đó chỉ là vật tượng trưng, nhưng trước mắt những người dự hội, trên các kiệu đó đã có sự hiện diện của 100 người con của hai vị Thủy tổ đã khai sinh ra dân tộc này. Một hành động Lễ hội đáng chú ý ở Bình Đà là tục rước bánh vía đưa ra thả ngoài giếng cả. Bánh vía được đựng trong một hộp kín. Khi thả bánh phải quây màn, không cho ai biết ngoài ông chủ tế. Sáng hôm đó, cửa đình được đóng lại. Bên ngoài là điển khoa viên, bên trong là Tế chủ. Điển khoa viên gõ cửa, gọi khai môn (Mở cửa), tế chủ đáp: "Bế môn" (Đóng cửa). Điển khoa viên hỏi: "Quan viên có của vía gì chuộc cho làng đấy chăng?". Tế chủ đáp: " Có một tráp trầu". Điển khoa viên hỏi: "Có gì nữa chăng?". Tế chủ đáp: "Có 100 quan tiền". Cửa đình mở... Cuộc đối đáp này có ý nghĩa gì? có lẽ đó là sự đối thoại giữa Thần linh và Tế chủ, đại diện cho dân làng thỏa thuận về những lễ vật, theo truyền thuyết, dân làng phi dâng cho Lạc Long Quân và 50 người con khi họ lên đường đi mở mang bờ cõi ở vùng biển. Số lễ vật này, theo dân làng quan niệm, sẽ chuộc được "vía" của họ, khiến họ làm ăn thuận lợi mùa màng bội thu... Trong các lễ Hầu đồng, lên đồng là một nghi thức đặc biệt. Trong đó, người lên đồng được các Thần linh "nhập" vào. Khi đó, những người lên đồng không còn giữ nguyên bản thân, mà trở thành những nhân vật Thần linh được quy định là phù hợp với họ (hợp "căn"). Người lên đồng múa, hát và nói năng hệt như tính cách các vị thần nhập vào họ, theo quan niệm dân gian. Người nhập vai vào vai cô bé Thượng Ngàn, nhí nhảnh, ưa làm dáng, hát theo những làn điệu miền núi. Người nhập vai ông Hoàng Bảy, một võ tướng có nét mặt oai vệ, có giọng nói cương nghị, múa kiếm. Còn Ông Hoàng Mười, một ông quan lớn, hào hoa phong nhã, đĩnh đạc, giọng nói sang sảng, thường mang theo bầu rượu túi thơ và múa với cây hèo thúc ngựa... Nghệ thuật tạo hình và trang trí Nghệ thuật tạo hình và trang trí tồn tại trong Lễ hội như một yếu tố tất yếu. Cờ hội với năm sắc ngũ hành - năm màu tương ứng với năm yếu tố cơ bản của vũ trụ theo quan niệm triết học cổ sơ, đặt cạnh nhau rất tương phản, gây sự chú ý. Các loại kiệu sơn son thếp vàng lộng lẫy, chạm trổ tinh vi. Tượng gỗ với cách tạo hình dân gian và truyền thống. Và, trong ngày hội làng, các đội tế với cách ăn mặc đặc biệt, đã gây ấn tượng đối với người dự hội. Thực ra, trang phục của đội tế, từ chủ tế đến các thành viên của đội, là sự mô phỏng sắc phục của quan lại khi lâm triều. Đó cũng là yếu tố tâm lý hấp dẫn đối với những người trong đội tế. Dường như trong trang phục đó, họ cảm thấy một vinh dự đặc biệt dành cho họ và họ được đứng ở một vị trí khác hẳn ngày thường. ở các Đền phủ, nghệ thuật trang trí đặc biệt được coi trọng. Màu sắc và các đồ trang sức của người lên đồng chính là yếu tố quan trọng để phân biệt các giá đồng. Nếu Cô Bô Thoi ưa trang phục sắc trắng (nước), thì Cô Bé Thượng Ngàn lại chỉ dùng trang phục sắc xanh (miền núi) với các loại trang sức như vòng bạc, hoa tai thường được đồng bào các dân tộc thiểu số ưa dùng. Ông Hoàng By là võ tướng, thường dùng trang phục của một ông quan võ. Còn Ông Hoàng Mười, một vị quan văn hào hoa, phong nhã, lại ăn mặc kiểu quan văn... Cách bài trí Điện thờ cũng đặc biệt. Khác với chùa chiền thường trang trí giản dị, gợi cảnh thú nhàn, xa lánh thế tục, các đền phủ ưa trang hoàng lộng lẫy, rực rỡ gần với cảnh lộng lẫy của các cung điện thế tục. Trong điện thờ, các vị Thánh được thờ ở một vị trí riêng, vừa phù hợp với thứ bậc của họ trong hệ thống Thần linh của Đạo Mẫu, vừa phù hợp với tính cách của các vị theo quan niệm truyền thống. Trong Điện thờ, thường treo một chùm nón, với các hình dáng, kích thước khác nhau. Có thể nối rằng, đó chính là một bộ sưu tập khá phong phú về các loại nón đã xuất hiện ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.